Kể từ hôm nay mình sẽ viết lại từng bài học đúc kết được qua mấy chục năm surviving. Cứ tưởng tượng một ngày nào đó mình trở nên nổi tiếng và có nhà báo phỏng vấn, "vậy xin bà cho biết bí quyết của sự thành công". Haha, thiệt là háo danh, háo thắng, sân si hết chỗ nói. Thật ra là để hi vọng 15 năm nữa Đăng sẽ chịu khó đọc chút chút, hi vọng con nên người.
Bài học số 1: làm cái gì cũng phải nhiệt tình, say sưa nha con.
Cách đây nửa năm, tức là con khoảng 2 tuổi rưỡi, con mơ ước làm . . . chú đổ rác!!! Dĩ nhiên mẹ không quát ầm lên, mẹ chỉ thấy buồn cười, chỉ thấy khó xử, rằng ngày xưa bà ngoại hay dạy mẹ rằng, "không học hành lớn lên đi hốt rác nha con", bây giờ làm sao dám nói câu này với con. Gần đây thì con chuyển sang thích làm chú tài xế, chú công an rồi chú lính cứu hỏa. Mẹ chỉ muốn nói với con rằng, mẹ yêu thích, rất yêu thích nếu một ai đó chăm chú, chăm chỉ, dồn hết tâm trí và sức lực cho một việc gì đó. Nhìn ngắm và được biết những người như vậy rất thú vị. Nếu con cũng như thế thì mẹ hoàn toàn hài lòng và hạnh phúc về bất kỳ nghề nghiệp nào mà con lựa chọn.
Có một vị doanh nhân thành đạt ở nước Nga, khi sang Việt Nam đã trả lời phỏng vấn của báo chí rằng, bí quyết nằm ở chỗ, ''làm gì cũng phải có cảm xúc". Thấy chưa, cảm xúc rất là quan trọng. Nếu anh thông minh vượt trội, anh có nhiều bằng cấp nhưng anh cảm thấy rất hời hợt với công việc của mình, cảm thấy là để kiếm tiền thôi. Đảm bảo nhé, cho dù anh có hoàn thành tốt hết các công việc, anh sẽ chẳng tiến xa được đâu. Làm manager thì cần thông minh, nhanh nhẹn. Nhưng làm leader thì cần bổ sung một cảm xúc mãnh liệt và lâu dài nữa.
Mình cứ tưởng tượng, ai đó sẽ hỏi mình câu này, "sao cá tính phù hợp với nước ngoài, nói tiếng Anh tốt mà lại làm việc cho công ty Việt Nam lâu thế?". Câu trả lời sẽ là, "tui chưa thấy chán". Vì trong mọi việc, dù "up hay down" tui luôn tìm được nguồn cảm xúc tốt. Lương bổng tốt, sếp tốt là điều kiện cần. Nguồn cảm xúc mới chính là điều kiện đủ để gắn bó mình với công ty.
Ngày đầu tiên gặp cô giáo hướng dẫn luận văn, cô hỏi, "chắc em đã đọc nhiều về corporate governance?". "Dạ không". "Vậy sao tôi thấy em trình bày như thể em rất tâm huyết với nó vậy". Thì ra khi mình nói về cái gì, nói với ai, mình cũng đều tràn trề cảm xúc như vậy. Làm thesis đúng là một "night mare", nhưng đã bắt tay vào làm thì mình có đầy đủ cảm xúc với nó và biết "yêu" nó, bảo vệ và nói về nó thật mãnh liệt.
Đúng vậy con trai ạ, cái gì cũng phải thật mãnh liệt nha con.