Sunday, December 25, 2011
Cũng liên quan chút đỉnh tới việc sống tích cực, hôm qua được nghe một người bạn confirm dù gì thì dù vẫn sống cuộc sống vui vẻ, không sầu não. Nghe mà nhẹ cả lòng. Cũng là một kiểu tích cực nhưng ít "cực" hơn mình, vui vẻ hơn nhiều. Hi vọng có thể là "đôi bạn cùng tiến".
Cũng là lời của một bài hát, "những gì đã qua, tôi sẽ để dành suốt đời". Ừ thì để dành là tốt nhất, lâu lâu đem ra ngẫm nghĩ để thấy trân trọng và yêu quý. Thế mới sống tích cực được đúng không "bồ tèo"?
Không biết thì cười
Chuyện này nhắc lại một kinh nghiệm khá là thú vị khi mới ra trường đến xin làm ở YKVN. Anh sếp sau này khi đã thân, có nói rằng, thật ra khi phỏng vấn em, anh thấy em không được xuất sắc lắm, anh tuyển em vì mỗi khi em không biết câu trả lời em nhăn trán lại và suy nghĩ. Anh có giải thích thêm là vì may quá mình đã không huyên thuyên lung tung để che lấp cái thiếu hiểu biết. Mình còn nhớ một số từ chuyên môn tiếng Anh mình chẳng biết dịch thế nào, phải hỏi lại người đang phỏng vấn. Những đoạn mình dịch tầm bậy, người phỏng vấn không kìm được cười khùng khục, mình tuyệt nhiên không cười. Cười làm sao nổi với sự xấu hổ ê chề khi dịch sai, khi trả lời câu hỏi không được. Và may quá, do không cười mà mình đã được tuyển vào làm.
Vậy cho nên, các nhà khoa học thân mến, nụ cười không thể chữa được cái thẹn thiếu hiểu biết, chỉ có sự nỗ lực tìm hiểu và tìm ra câu trả lời mới cứu được các vị thôi.
Monday, December 5, 2011
Terry Fox 2011
Friday, December 2, 2011
Kiểu mặt gì
Thursday, November 17, 2011
Tập cho Hải Âu bay
Chuyện kể rằng có chú hải âu mới nở đã bị mất mẹ. Chú hải âu tội nghiệp đã được nhận nuôi bởi một chú . . . mèo. Và suốt mấy tháng liền chú mèo đóng vai mẹ ấy cùng một hội chó mèo khác đã bằng tất cả tình thường yêu và sự kiên nhẫn đã dạy cho hải âu biết bay, để được sống cuộc sống của một loài chim bay trên biển. Sáng nay đưa con đến trường làm lễ 20/11 mẹ đã nghĩ mẹ cũng đang tập cho hải âu bay. Chuyện kể để nhắc nhở rằng yêu thương người giống mình thì dễ, yêu thương người hoàn toàn khác mình mới là một nỗ lực lớn. Con dĩ nhiên là con của mẹ nhưng con lại rất khác mẹ vì con giống bố hơn. Chú mèo "mẹ" còn khó khăn hơn chú mèo trong truyện vì phải "đấu tranh" với bố nữa, để tập cho con biết bay, chưa kể phải vượt qua những câu nói vô tình có phần chê bai của mọi người. Con sợ đám đông, sợ sự ồn ào, sợ thay đổi. Con khóc rất nhiều mỗi khi đi đám cưới với mẹ, khi dự lễ ở trường, khi lên sân khấu hát với các bạn. Con sợ nước, sợ cát, sợ biển. Vậy mà từ lúc con ra đời tới giờ, mẹ đã mang con đi chơi bất cứ khi nào có dịp, dù mỗi chuyến đi là mỗi lần tất tả chuẩn bị, tất tả mang vác và phục vụ con. Không Chủ Nhật nào con ở nhà, mẹ mang con đi khắp nơi. Đám tiệc nào mẹ cũng tranh thủ “vác” con theo dù nhiều lúc phải vất vả vượt qua đôi chút tủi thân khi mọi người xúm lại comment, nào là mẹ cưng con quá nên nó nhõng nhẽo, nào là con của mẹ nhát quá. Mẹ đã tập cho con từ chỗ không dám nhúng chân xuống nước đến bây giờ con đã chịu xuống hồ bơi lớn cùng mẹ và tập tễnh bơi. Muốn vậy mẹ phải dựng cả nhà dậy sớm vào Chủ Nhật, cho dù có bải hoải tay chân và sụt sịt cảm mẹ vẫn cần mẫn thay đồ bơi để xuống hồ cùng con, vỏn vẹn 15-20 phút. Mẹ qua nhiều năng lượng nên đôi khi “cover” luôn phần bố. Vì bố giống con nên bố cũng ghét mấy trò lăn tăn mẹ bày ra. Bố cũng đã “chịu đựng” cái năng lượng tràn trề của mẹ nhiều năm rồi, cũng rất chiều và hợp tác. Tuy nhiên lúc bố không chịu nổi mẹ vẫn hùng hục vác con đi một mình, hùng hục chạy, ẵm cho con chơi.
Mẹ không có ý định thay đổi con. Con là đứa trẻ đáng yêu, tình cảm và nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Mẹ thấy và rất tự hào về những điểm tốt của con. Nhưng là mẹ, mẹ cũng thấy từ rất sớm những điểm yếu của con. Mẹ muốn nỗ lực và yêu thương hết mình để con không bị những điểm yếu đó hạn chế bước chân con vào đời, để con biết bay. Vậy cho nên viết ra đây không phải để kể công với con mà để con hiểu và mẹ tiếp tục có động lực và năng lượng mang vác con đi khắp nơi.
Saturday, November 12, 2011
Friday, September 30, 2011
Giáo dục nhằm mục đích gì?
Buổi học đầu tiên môn “Managerial Economics”, ông thầy người Hàn Quốc nói rằng “I don’t want to loose anyone”. Câu nói này của thầy “trấn an” mình rất nhiều vì cho dù mình có dốt tới mức nào, có đền lớp với một cái đầu thiếu ngủ và đầy lo toan thì thầy cũng không bỏ mình, vẫn có cách làm cho mình theo kịp lớp. Đấy chẳng phải là mục tiêu cuối cùng của giáo dục hay sao? Giáo dục để tất cả mọi người từ chỉ số IQ thấp nhất, hoàn cảnh gia đình éo le nhất vẫn được tiếp nhận một cách đầy đủ, cơ bản nhất những gì một người cần để có thể sống đàng hoàng. Vậy mà nhiều năm rồi, giáo dục ở cái xứ sở này chỉ đồng nghĩa với thành tích. Mình chưa thấy người ở đâu lại lo lắng cho chỉ số IQ và thứ hạng của con cái như người Việt ta. Ít khi nào thấy các bậc phụ huynh khoe nhau rằng con tôi tốt bụng và nhân hậu. Họ chỉ khoe nhau con tôi nói tiếng Anh giỏi cỡ nào, xếp hạng mấy trong lớp và đạt thành tích học sinh giỏi, xuất sắc như thế nào. Câu cửa miệng của mình bây giờ là "Đăng nó nhút nhát lắm, khó hòa đồng nhưng được cái rất khỏe mạnh" Nghe tưởng như mình tự trào nhưng không phải vậy, mình chỉ nói đúng về con, về đúng bản chất và thể chất nó hiện nay. Đáng lẽ người có con ở tuổi Đăng chỉ nên khoe con sáng dạ, lanh lợi, hát hay hay thậm chí hung dữ cũng được xem là một phẩm chất khi còn bé. Nhiều khi giật mình thấy mình chẳng mảy may lo lắng về cái sự thông minh của con. Không phải mình quá tự tin mà vì mình vẫn không hiểu có vấn đề gì khi có một đứa con không thông minh nhỉ. Có một đứa con ngốc nghếch, ngờ nghệch thì đã sao? Chẳng lẽ không thể nuôi nổi một đứa con ngốc nghếch cho nên người sao? Hay mục tiêu cuối cùng của các bậc phụ huynh chỉ là nuôi con thành thiên tài? Chính từ cái gốc mục tiêu và quan điểm giáo dưỡng trong gia đình này đã dẫn dắt một nề giáo dục rất kỳ dị hiện nay và một xã hội không cho người kém cỏi có cơ hội sống tốt. Tất cả học sinh cá biệt được gom lại để trị hơn là dạy, cá biệt đến mức bó tay thì đuổi sang trường khác, trường khác lại đuổi về nhà, nhà đuổi ra đời. Như vậy nền giáo dục của ta đã "loose" biết bao người. Nên nhớ dân ta vẫn còn ở tình trạng số lượng hơn là chất lượng. Công bằng xã hội nằm ở chỗ này đây. Nếu mọi người dân không có cơ hội sống tốt ngang nhau thì lẽ tất nhiên sẽ ngày càng có nhiều người xấu, thiên tài thành đạt tăng thì trộm cướp cũng tăng.
Friday, February 18, 2011
Sống thẳng
Monday, February 14, 2011
Sự lựa chọn của mẹ
Đăng từ Tết trở đi bỗng nhõng nhẽo và đeo mẹ. Cả Tết và bây giờ là cả ngày Chủ Nhật hai mẹ con toàn “đóng phim tình cảm Hong Kong”, mẹ mẹ con con quấn quýt suốt. Con nhõng nhẽo lắm khi mẹ cũng quạu nhưng nghĩ lại phần vui nhiều hơn. Giá mà mẹ chỉ đi làm 3 ngày/tuần hoặc chỉ làm nửa ngày thôi thì mẹ con mình sẽ có rất nhiều thời gian ở bên nhau. Thời gian mà con quấn mẹ quý giá đối với con và cả đối với mẹ vì rồi cũng có lúc con sẽ quấn . . . bạn gái mà thôi. Bố bảo, đừng ước, không có sự lựa chọn nào khác đâu. Mẹ không nghĩ vậy, cái kiểu sống mà làm việc quần quật này là sự lựa chọn của mẹ. Có phải vì cơm áo gạo tiền không? Có phải vì con không? Có lẽ không hoàn toàn. Mẹ hoàn toàn có thể làm một công việc đơn giản, an nhàn hơn mà vẫn đảm bảo con sống đủ đầy tuy không được thoải mái như bây giờ. Sự lựa chọn của mẹ có nhiều phần là để thỏa mãn nhu cầu của mẹ, được sống và làm việc hùng hục như ý mình. Tuy mẹ đã bỏ đi rất nhiều thứ thuộc về cuộc sống của mình vì con nhưng mẹ không hoàn toàn sống cho con. Không biết mẹ có ân hận gì về sau không, bây giờ mẹ vẫn chưa sẵn sàng để có một quyết định sống khác đi. Hôm nay, ngày 14/2/2011 con đã đi học mầm non. Con không la khóc nhưng con ngồi một góc, buồn và mệt. Con học trường khá sang, mẹ được xem camera mới biết đó thôi. Nếu mẹ nói “tội nghiệp con tôi” người ta sẽ cho rằng mình “chảnh” vì có phải đứa bé nào cũng được học ở môi trường như con đâu. Nên mẹ không dám mở miệng, mẹ chỉ thấy mình có phần ích kỷ và có lỗi với con.