Friday, September 30, 2011

Giáo dục nhằm mục đích gì?

Buổi học đầu tiên môn “Managerial Economics”, ông thầy người Hàn Quốc nói rằng “I don’t want to loose anyone”. Câu nói này của thầy “trấn an” mình rất nhiều vì cho dù mình có dốt tới mức nào, có đền lớp với một cái đầu thiếu ngủ và đầy lo toan thì thầy cũng không bỏ mình, vẫn có cách làm cho mình theo kịp lớp. Đấy chẳng phải là mục tiêu cuối cùng của giáo dục hay sao? Giáo dục để tất cả mọi người từ chỉ số IQ thấp nhất, hoàn cảnh gia đình éo le nhất vẫn được tiếp nhận một cách đầy đủ, cơ bản nhất những gì một người cần để có thể sống đàng hoàng. Vậy mà nhiều năm rồi, giáo dục ở cái xứ sở này chỉ đồng nghĩa với thành tích. Mình chưa thấy người ở đâu lại lo lắng cho chỉ số IQ và thứ hạng của con cái như người Việt ta. Ít khi nào thấy các bậc phụ huynh khoe nhau rằng con tôi tốt bụng và nhân hậu. Họ chỉ khoe nhau con tôi nói tiếng Anh giỏi cỡ nào, xếp hạng mấy trong lớp và đạt thành tích học sinh giỏi, xuất sắc như thế nào. Câu cửa miệng của mình bây giờ là "Đăng nó nhút nhát lắm, khó hòa đồng nhưng được cái rất khỏe mạnh" Nghe tưởng như mình tự trào nhưng không phải vậy, mình chỉ nói đúng về con, về đúng bản chất và thể chất nó hiện nay. Đáng lẽ người có con ở tuổi Đăng chỉ nên khoe con sáng dạ, lanh lợi, hát hay hay thậm chí hung dữ cũng được xem là một phẩm chất khi còn bé. Nhiều khi giật mình thấy mình chẳng mảy may lo lắng về cái sự thông minh của con. Không phải mình quá tự tin mà vì mình vẫn không hiểu có vấn đề gì khi có một đứa con không thông minh nhỉ. Có một đứa con ngốc nghếch, ngờ nghệch thì đã sao? Chẳng lẽ không thể nuôi nổi một đứa con ngốc nghếch cho nên người sao? Hay mục tiêu cuối cùng của các bậc phụ huynh chỉ là nuôi con thành thiên tài? Chính từ cái gốc mục tiêu và quan điểm giáo dưỡng trong gia đình này đã dẫn dắt một nề giáo dục rất kỳ dị hiện nay và một xã hội không cho người kém cỏi có cơ hội sống tốt. Tất cả học sinh cá biệt được gom lại để trị hơn là dạy, cá biệt đến mức bó tay thì đuổi sang trường khác, trường khác lại đuổi về nhà, nhà đuổi ra đời. Như vậy nền giáo dục của ta đã "loose" biết bao người. Nên nhớ dân ta vẫn còn ở tình trạng số lượng hơn là chất lượng. Công bằng xã hội nằm ở chỗ này đây. Nếu mọi người dân không có cơ hội sống tốt ngang nhau thì lẽ tất nhiên sẽ ngày càng có nhiều người xấu, thiên tài thành đạt tăng thì trộm cướp cũng tăng.