Monday, August 31, 2009

Mặc xác các cụ

Nuôi con thỉnh thoảng lại nghe “Ngày xưa các cụ . . .”, thế này, thế nọ, toàn những kinh nghiệm “kinh dị”. Lại bảo, rồi cũng đâu vào đó, con cái vẫn lớn lên khỏe mạnh. Cứ thế mà thấy cái kiểu chăm con thời nay là rườm rà, tốn kém, nhiễu sự. Nhưng cái kiểu “kinh dị” ngày xưa là phản khoa học, là góp phần làm cho tỷ lệ bệnh và tử vong ở trẻ nhỏ rất cao. Trẻ em vẫn lớn và khỏe mạnh với cách nuôi như thế là do may mắn mà thôi. Từ chuyện nhỏ suy ra chuyện lớn. Không thể cứ sống dựa vào kinh nghiệm của các cụ được. Sống bây giờ có nhiều chuyện phải “mặc xác các cụ” thì mới có những trải nghiệm mới. Sau này con mình cũng cần sống “mặc xác các cụ” như thế thôi (ôi, có khi lúc đó mình lại tủi than tủi phận). Nó cần mình giúp để đủ mạnh mà có những trải nghiệm của chính nó trong cuộc đời, không cần sống bằng kinh nghiệm của mình.

Sunday, August 30, 2009

Đường bay vàng và cuộc thách đấu

Có ai đang theo dõi cuộc thách đấu 5 triệu USD hấp dẫn của ông Phó Giám Đốc Công Ty Glittering Star và Cục Hàng Không Việt Nam không? Rất hay và rất ngưỡng mộ ổng. Bản thân mình theo dõi đề tài “Đường Bay Vàng” này ngay từ đầu. Tuy không hiểu gì về kỹ thuật mình cũng cảm thấy dự án “Đường Bay Vàng” quá hấp dẫn về mặt kinh tế. Và cũng rất buồn bực khi đọc thấy cái kiểu “phủ đầu ý tưởng mới” trong bài báo tường thuật về cuộc họp (đăng trên báo Tuổi Trẻ mấy tuần trước, HKVN tổ chức họp để nghe viên phi công trình bày về ĐBV). Khi có một ý tưởng mới thì trước hết hãy lắng nghe (cho dù người đưa ra ý tưởng đó có phách lối, điên cuồng tới mức làm người nghe tự ái), như thế mới có cơ hội tự làm mới mình và có lợi cho bao nhiêu người khác, cho xã hội nói chung. Ai chưa đọc bài phỏng vấn trên báo Thanh Niên Chủ Nhật vừa rồi thì đọc ngay đi nhé.

Saturday, August 29, 2009

Change

Mượn slogan của ngài Obama để đặt tựa bài vậy. Nhân cái sự ông M. Yunus muốn sinh viên phải hành động để thay đổi xã hội, mình nhớ lại một bộ phim Mỹ xem trên tivi. Không biết tựa phim. Chỉ có một chi tiết rất vui. Thầy giáo giao cho học trò (khoảng lớp 3, lớp 4 gì đấy) suy nghĩ về một ý tưởng có thể làm thay đổi thế giới. Có một cậu nhóc trình bày rằng, cậu sẽ lên internet, lập chương trình và kêu gọi toàn bộ trẻ em Trung Quốc trên thế giới cùng nhảy lên vào một giờ nào đó. Cả lớp cười rầm rầm. Riêng ông thầy mặt vẫn tỉnh rụi, nghiêm túc hỏi, “Để làm gì vậy em? Để trục Trái Đất bị thay đổi đúng không?” Thứ nhấtm khoái thằng nhóc có ý tưởng mắc cười. Thứ hai, khoái ông thầy không cười nhạo nó, xem như cũng là một ý tưởng nhằm thay đổi thế giới. Nền giáo dục cần khuyến khích con người ta có nhiều ý tưởng và mong muốn thay đổi như thế.

Đã quá đủ những người viết luận văn

Đây là tựa một bài báo trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, phỏng vấn ông Muhammad Yunnus, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel Hòa Bình. Ông là người sáng lập ra Grameen Bank, ngân hàng cho người nghèo ở Bangladesh. Bài phỏng vấn xoay quanh dự án thành lập trung tâm giáo dục để giải quyết những vấn đề về an ninh lương thực, nông nghiệp và giảm nghèo. Có 2 ý trong bài phỏng vấn này mình rất thích:


1. Sinh viên không cần làm luận văn tốt nghiệp mà phải lập ra một kế hoạch, chương trình để giúp và thay đổi cộng đồng của mình trong vòng 2 năm. Ông cho rằng sinh viên phải bước ra cuộc sống để tạo sự thay đổi, trực tiếp đối mặt với các vấn đề và giải quyết chúng. Nhớ thời mình làm luận văn, bảo vệ được 9,8 điểm hẳn hoi, cao nhất khoa mà mỗi khi nghĩ lại thấy xấu hổ. Xấu hổi vì nó chẳng qua chỉ là kết quả của 1 tháng ròng ngồi thư viện, lục lọi nhiều sách báo, rồi “cắt dán”, sắp xếp cho nó logic (mình lại rất giỏi cái trò này). Luận văn của mình rất rõ ràng, hợp lý, dễ đọc, dễ hiểu và không viết lung tung. Nhưng điều buồn nhất là nó không chứa đựng một ý tưởng nào của mình cả. Mình mà được tốt nghiệp bằng cách lập một chương trình hành động (nhỏ xíu thôi cũng được) thì chắc mình sướng lắm, có khi không được điểm 10 mà lại cảm thấy tự hào về nó đấy chứ.

2. Với nền kinh tế kiếm tiền hiện nay mỗi người đều cố tìm nơi có tiền. Tiền chảy vào công nghệ truyền thông. Nông nghiệp bị bỏ quên và tăng trưởng chậm. Làm nghề “bán cá”, có dính dáng tới nông nghiệp mình cũng thấy điều này. Rất luẩn quẩn, người nông dân vẫn chưa tìm được lối ra, chủ yếu là không có ai dắt họ ra.

Monday, August 10, 2009

Bệnh viện Nhi Đồng

Đăng bị tiêu chảy, nóng ruột quá phải ẵm đi khám ở bệnh viện Nhi Đồng. Mặc dù nghe báo chí nói đã lâu về cái sự quá tải của bệnh viện này, tôi vẫn không thể nào tưởng tượng được có một cái bệnh viện mới bước vào đã muốn bệnh như thế. Đó là tôi 30 tuổi, nặng hơn 50 kg, sức khỏe tốt, đã “chinh chiến” bao cảnh chen chúc khổ sở mà còn thấy như thế. Còn Đăng thì mới được 2 tháng tuổi, bé bỏng là thế làm sao chen lấn nỗi với một “rừng” người lớn, trẻ em đứng, ngồi, nằm la liệt. May mắn làm sao đã hẹn trước với người quen, được ưu tiên không phải xếp hang, cứ thế mà vào khám ngay (áy chà, làm cha làm mẹ rồi lắm lúc cũng vì con mà nhắm mắt làm ngơ trước cái bất công mà mình đang là người được hưởng). Ấy vậy mà đi từ dưới đất lên phòng khám cũng lắm nhiều khê, đi đâu cũng là người với người. Bà ngoài ẵm Đăng chen qua cánh cửa hẹp, thế là một đám người ào ào qua, chẳng mảy may nhường bước cho một bà già ẵm một đứa bé thật là bé (có đến hai đối tượng phải được ưu tiên trong hoàn cảnh này đấy). Cái may thứ nhất là có người quen. Cái may thứ hai là Đăng chỉ bệnh nhẹ, ngủ li bì, chẳng biết mình đang ở cái nơi khủng khiếp ấy. Chứ như những đứa trẻ khác bệnh nặng hơn, đau đớn, khó chịu là thế, bé nhỏ là thế mà phải xếp hang giờ trong cảnh đông nghìn nghịt, nóng bức điên người thì làm sao mà chịu nổi. Nghĩ mà xót xa. Sao mà lại có một xứ sở trẻ em bị đối xử như thế. Không cần biết vì bất kỳ lý do gì, hoàn cảnh gì và phải bằng cách nào đó trẻ em phải được sống trong những điều kiện tốt nhất. Trẻ em bệnh lại càng đáng thương, không có gì có thể biện hộ cho tội lỗi của những con người có trách nhiệm trong chuyện này. Là những ai đây?