Wednesday, July 31, 2013

Khuất Nguyên

Khuất Nguyên trước khi trầm mình xuống dòng sông đã khóc rằng: "Đời đục cả mình ta trong.  Đời say cả mình ta tỉnh".  Than ôi thời nào cũng có những Khuất Nguyên như thế.  Đời không đến nỗi đục cả và người không đến nỗi say cả nhưng vẫn có những nỗi buồn của những người không thể theo đám đông, những người phải mang sự bức rức vì không được thấy và làm điều đúng nhất.  Than ôi sống hơn 30 năm mình vẫn tin vào màu hồng, rằng tấm lòng đủ rộng, làm đúng và làm tốt thì phải đi đến đích.  Những lại cũng có câu "lực bất tòng tâm" bây giờ mới thấy thấm.  "Tâm" đã đủ rộng, đã cháy đến hết mức có thể nhưng có những lực cản làm lòng người quá hoang mang.  Dù đã tâm niệm rằng người đúng không bao giờ phải là người ra đi những có khi nào vẫn phải ra đi vì sức lực không cho phép và sự đơn độc có sức tàn phá tình thần mạnh mẽ nhiều hơn mình tưởng không?

Tuesday, July 30, 2013

Bài học số 3-Người tự trọng luôn biết xin lỗi

Đọc truyện Kira Kira đã lâu rồi vẫn còn nhớ một chi tiết thế này.  Người cha đã đập nát kính xe hơi của gia đình hàng xóm giàu có sau khi con ông bị sập bẫy thú đặt sau vườn của nhà họ.  Ông vừa quá giận cách cài bẫy không an toàn cho trẻ nhỏ vừa quá xót con vì vết thương khá nặng nên hành động trái ngược với bản chất hiền lành của mình.  Sau đó mấy ngày, ông đã đích thân dẫn con đến nhà người hàng xóm đó xin lỗi vì đã gây hư hỏng chiếc xe.  Ông bị mắng té tát bởi người hàng xóm hung hăng và không biết điều.  Đứa con ngạc nhiên hỏi, sao cha lại phải làm thế, họ làm sao biết ai đập vỡ kính mà chính họ là người đã có lỗi trước đấy thôi.  Người cha trả lời, dù cho con có làm ra lỗi lầm gì, khủng khiếp tới đâu và người ta có giận con đến mức nào, là người có lòng tự trọng con cũng phải xin lỗi. 

Lại có một chuyện xảy ra cách đây vài tuần.  Đích thân ông Chủ Tịch tập đoàn hàng hàng không Korea phải ra sân bay cúi đầu xin lỗi gia đình nạn nhân gặp nạn trên chuyến bay của hãng này đáp ở San Francisco.  Hình ảnh rõ mồn một trên báo, ông Chủ Tịch cúi đầu trước nhóm người đang trên đường đón thi thể của người nhà.  Nhóm người vẻ mặt lo lắng, đau buồn tột độ, chẳng ai có vể để ý đến ông già đang cúi đầu, nếu ai quá khích chắc cũng không ngoại trừ khả năng đấm đánh ông già ấy.

Xin lỗi là điều cơ bản được học ngay từ rất nhỏ nhưng chắc chưa ai dạy con trẻ rằng xin lỗi cũng cần có lòng tự trọng rất cao và can đảm mới thực hiện được.  Phải có lòng tự trọng mới nói lời xin lỗi vì có những lỗi lầm chỉ có trời biết, đất biết và mình mình biết.  Xin lỗi hay không xin lỗi, không ai phán xét được trừ lòng tự trọng của bản thân thúc đẩy mình làm điều đúng nhất.  Phải can đảm vì đôi khi hậu quả của lỗi lầm là rất lớn.  Người đón nhận lời xin lỗi có thể làm mình tổn thương cả về cơ thể lẫn tinh thần.  Người không cam đảm thì cho dù rất ân hận về chuyện mình gây ra nhưng sẽ không dám đối mặt với sự việc và đường hoàng xin lỗi người khác.  Chẳng ai có thể trách người cha nễu ông không xin lỗi vì việc ông gây ra không ai biết và xét cho cùng người khác có lỗi với ông trước.  Ông Chủ Tịch có thể đợi sau khi mọi chuyện nguội đi, có thể gửi thư xin lỗi vì phải đối mặt với thân nhân người vừa mới thiệt mạng ngay sau khi sự việc xảy ra là điều vô cùng nguy hiểm.  Nhưng người cha và ông Chủ Tịch đã rất có lòng tự trọng và can đảm mới có những hành động đáng quý như vậy.